Robusta là dòng cafe được trồng nhiều nhất tại Việt Nam. Robusta có hương vị đặc trưng của gỗ và đất, hàm lượng cafein cao, vị đắng đậm, cấu trúc dày.
Cách pha một tách cà phê tuyệt vời nhất
Sử dụng nước lọc ở nhiệt độ phòng và một dụng cụ pha cà phê sạch sẽ
Xay cà phê ngay trước khi pha
- Xay thô cho các phương pháp pha cà phê dùng lực ép/nhấn (Press)
- Xay vừa cho các phương pháp pha cà phê tự nhỏ giọt
- Xay mịn cho phương pháp pha cà phê espresso
Đo lường tỷ lệ hoàn hảo cho chiết xuất cà phê: 10 g bột cà phê (2 tsp) cho 175 g nước (tương đương 175 ml)
Để lưu giữ hương vị tươi ngon nhất, giữ kín miệng túi cà phê và bảo quản trong tủ ở nhiệt độ phòng, không bảo quản trong tủ lạnh và pha trong vòng 1 tuần sau khi mở túi
Đi Tìm Cà Phê Nguyên Chất Thực Sự
Tôi đã đi tới những vùng trồng cà phê nổi tiếng của Việt Nam, nhưng cà phê Việt Nam không đơn giản như bạn nghĩ. Nổi bật nhất có lẽ là cà phê Cầu Đất – vùng đất được mệnh danh có cà phê ngon nhất Việt Nam. Khi bạn ghé vào bất cứ nhà dân nào từ bán cơm tấm cho tới tiệm tạp hóa nhỏ, người dân luôn luôn có cà phê để bán cho bạn. “5 tấn, 10 tấn luôn để sẵn trong kho, anh muốn lấy bao nhiêu cũng có”. Nhưng vùng Cầu Đất đâu có lớn như vậy. Nó chỉ là một thôn xã. Và khi gặp được cha xứ nhà thờ Cầu Đất, cha đã nói rằng: “Cha ở đây 20 năm cha còn bị lừa nói gì con. Đừng có dại mà húc đầu vào! Thật không đơn giản…”. Sự thật là người dân đã lấy cà phê của những vùng lân cận và bán ra thị trường với cái mác Cà phê Cầu Đất.
Còn ở những vùng cà phê khác, phần lớn cà phê hạt được bán cho những công ty thu mua cà phê xuất khẩu. Cà phê ở ngoài quán cũng là cà phê trộn. Và khi bạn hỏi một nông dân trồng cà phê nào đó về rang cà phê, câu trả lời đại khái là: “Muốn rang cà phê ngon bán cho quán thì phải học tẩm ướp, như bơ, sữa, rượu, nước mắm, rồi trộn thêm mấy loại đậu vô thì mới có lời. Còn muốn uống cà phê sạch thì mình tự rang lấy rồi để ở nhà uống”.
Câu chuyện phía trên chắc hẳn là một câu chuyện cười đối với đất nước xuất khẩu cà phê thuộc hàng top thế giới. Nhưng đó là sự thật. Dù bạn có đến bất cứ vùng trồng cà phê nổi tiếng nào của Việt Nam thì cà phê ngoài quán bình thường phần lớn sẽ là cà phê trộn lẫn với “những hương liệu thơm ngon” không biết trước được.
Thật đau đầu…
Nét văn hóa này có lẽ xuất phát từ thời xa xưa, lúc Pháp mang cà phê đến Việt Nam, khi đó cà phê rất mắc, người bình thường không thể có tiền mua, vậy là người ta nghĩ ra cách trộn những loại nông sản khác vô, rồi tẩm rồi ướp, để cho giống cà phê và có mùi thơm ngon, miễn sao uống vào tỉnh táo – thậm chí là say đến chóng mặt (người ta thường dùng cau, nếu ai ăn trầu chắc sẽ hiểu). Người thành công nhất trong lĩnh vực “hạ giá thành” cà phê có lẽ là bạn cũng biết…
Câu chuyện ở vườn cà phê là thế. Nếu là vùng nổi tiếng, thì vì chạy theo lợi nhuận mà kinh doanh mánh mung. Và người nông dân mặc định rằng, cà phê sạch là tự rang, cà phê ngon cho quán là phải học tẩm ướp. Nó ảnh hưởng tới tận thành phố. Rao bán cà phê trên mạng “mánh mung”. Và cứ thế tẩm ướp thật lực để “chiều” theo ý khách hàng.
Cà phê vốn dĩ là thượng phẩm từ thời xa xưa, có khi còn dùng thay cho vàng bạc châu báu. Vốn dĩ cà phê đã ngon sẵn rồi, và tôi cũng nghĩ rằng thời xưa chắc chắn không có nhiều hương liệu tiến bộ như bây giờ. Vì vậy, tôi thích cách người xưa dùng cà phê, không tẩm không ướp, rang mộc mạc, để cà phê tự nói lên hương vị của nó.
Các Loại Hạt Cà Phê Tôi Sử Dụng Để Làm Espresso
Cà phê mỗi vùng đều có hương vị khác nhau dù giống cây cà phê có giống nhau đi chăng nữa. Và vốn dĩ, hương vị của một loại cà phê khi đứng một mình sẽ thiếu đi sự cân bằng – thiếu sự nổi bật, không có nhiều cảm giác thú vị. Chính vì vậy, nước Ý – một quốc gia tuy không trồng cà phê nhưng lại là tiêu chuẩn của thưởng thức cà phê thế giới – đã dùng điều luật phối hợp cà phê làm điều luật đầu tiên cho tách espresso chuẩn của mình. Ít thì trộn 3-4 loại cà phê. Nhiều thì trộn 10-12 loại. Nhưng dù trộn kiểu nào thì bạn cũng phải tuân thủ quy tắc: Cà phê phải có chất lượng cao & Cà phê phải tươi.
Cà phê espresso ngon cần có mùi vị phong phú
05 loại hạt cà phê của tôi bao gồm:
- Robusta – Tiêu chuẩn xuất khẩu loại 1 – Daklak 800m
- Culi Robusta – Tiêu chuẩn xuất khẩu loại 1 – Daklak 800m
- Arabica Typica – Tiêu chuẩn xuất khẩu loại 1 – Dalat 1500m
- Arabica Catimor chế biến mật – Cầu Đất 1600m
- Arabica Bourbon Đỏ – Dalat 1600m
Trong đó, ngoại trừ Catimor Cầu Đất thì các loại cà phê còn lại có nguồn gốc từ những tập đoàn chuyên xuất khẩu cà phê đi quốc tế. Sở dĩ chúng tôi không lấy của nông dân vì nông dân trồng cà phê thường không có đủ kiến thức – trang thiết bị để sản xuất và bảo quản cà phê. Cà phê của nông dân dễ bị mọt – mốc do độ ẩm cao. Và nông dân cũng không phân loại. Vì vậy, chúng tôi lựa chọn theo tiêu chuẩn xuất khẩu và lấy cà phê từ những tập đoàn lớn.
Về phần Catimor Cầu Đất, đó là vườn cà phê của cha xứ nhà thờ Cầu Đất. Cha không có ý định kinh doanh mà chỉ muốn người dân theo đạo ở Cầu Đất hiểu rằng làm ăn là phải có đạo đức, và mỗi vùng nó có hương vị cà phê riêng. Nếm cà phê là thưởng thức cái hương vị riêng ấy chứ không phân định là ngon hay dở. Cha đã làm cà phê rất lâu rồi. Nó có một nét rất riêng vì nó là cà phê của một người “nghiên cứu cà phê” chứ không phải của một người nông dân chỉ biết trồng cà phê. Điển hình là thay vì chọn cách bỏ quả cà phê vào nhà máy xay xát (tốn 2-3 ngày), cha quyết định phơi nắng một tháng trời để làm ra loại cà phê ngon. Điều này cũng dễ hiểu vì nhiệt độ Cầu Đất chỉ khoảng 15-20ºC – mùa thu hoạch là tháng 11 – và nắng cũng không gắt như Sài Gòn.
Cà phê đã được nhặt bỏ hạt vỡ, đen – hạt mốc
Dù là tiêu chuẩn xuất khẩu nhưng trong bao cà phê vẫn tồn tại những hạt vỡ, hạt đen, hạt mốc. Những hạt đó trông như thế này (hình tôi tự chụp nên hơi xấu):
Cafe bị sâu vỡ mốc, ai làm cafe cũng đều biết điều này nhưng phần lớn không nói ra
Chúng tôi đã ngồi nhặt bỏ hạt xấu một lần nữa. Tuy không dám nói là loại bỏ hết hoàn toàn (Lifeboy cũng chỉ diệt được 99.99%) nhưng chắc chắn nó tốt hơn nhiều so với lúc chưa lựa. Số lượng trung bình chúng tôi loại bỏ vào khoảng 4-5%. Nếu 4-5% này tập trung vào một ly cafe thì cứ 100 ly sẽ có 4-5 ly rất rất tệ, thậm chí là có hại cho sức khỏe (những hạt cafe mốc).
Một lần nữa, tôi lại đứng giữa ranh giới lương tâm. Vì dù tôi có để yên mà rang lên thì khách hàng cũng không biết. Nhưng nếu tôi biết mà tôi không làm thì tôi không còn là tôi. Và bây giờ tôi đã đưa vấn đề cho bạn, tôi tin rằng bạn cũng sẽ quyết định như tôi. Những hạt này xuất hiện không phải do cà phê xấu, mà do trong lúc bảo quản bị độ ẩm một chỗ nào đó cao (giọt nước rơi vào chẳng hạn) thì lâu ngày sinh nấm mốc. Hạt vỡ thì do vận chuyển, quăng ném. Rang cà phê cũng sẽ làm một ít hạt cà phê vỡ ra do các hạt cà phê “giòn” va chạm vào nhau. Và nếu bạn thấy những con mọt bay ra từ những bao cà phê của nông dân thì bạn sẽ hiểu tại sao tôi chọn lấy cà phê từ những công ty chuyên xuất khẩu. Những hạt này tuy xấu nhưng tổng thể vẫn còn “đẹp” !
Cà phê của tôi là như vậy đấy. Nó được phối hợp từ năm nguồn cà phê khác nhau, vì tôi muốn cà phê của mình có hương vị thật phong phú, và chúng phải có chất lượng.
Tôi kể những câu chuyện của bản thân cho bạn không vì mục đích nào khác ngoài việc phơi bày tất cả, ngay trước mặt bạn. Vì tôi cảm nhận được chỉ có làm như vậy thì chúng ta mới có thể tiến xa. So với một công ty có thông tin mập mờ, thông tin chung chung, hay là họ cố che giấu nanh vuốt, thì tôi ít nguy hiểm hơn nhiều… Vì thế, mong bạn đừng cười chê, tôi sẽ phơi bày bản thân – và nếu bạn thấy hợp, thì nó là tín hiệu rất tốt cho một mối quan hệ lâu bền.
Cập nhật: 10/12/2017 - 21:43 | Tình trạng: Mới |
Bảo hành: Không có | Nguồn gốc: Hàng công ty |
Đóng gói: Túi | Khối lượng: 333 |